emacs-commit
[Top][All Lists]
Advanced

[Date Prev][Date Next][Thread Prev][Thread Next][Date Index][Thread Index]

[Emacs-commit] Ban tin phap luat tuan so 2006-32


From: Ban Tin Luat
Subject: [Emacs-commit] Ban tin phap luat tuan so 2006-32
Date: Wed, 16 Aug 2006 02:34:52 +0200

Luật Gia Phạm

18001551
www.luatgiapham.com
www.law.com.vn

Hà nội: 133 Thái Hà - Đống Đa - Tel: 04.5374748    HCM: 402 Nguyễn Kiệm - Phú Nhuận - Tel: 08.9954609 

Xin chào,
Kỳ nghỉ hè thật tuyệt vời. Chúng tôi đã cùng nhau tận hưởng trời xanh mây trắng nắng vàng. Tuần vừa rồi, chúng tôi cũng đã có một lễ kỷ niệm ngày truyền thống của công ty thật vui vẻ và tình cảm.
~longpt

BẢN TIN PHÁP LUẬT
Số 2006-32
Từ: 14/08/2006
Đến: 19/08/2006

 
Ngày 01/08/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2006/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của Thanh tra tư pháp.
Thanh tra Tư pháp là tổ chức thanh tra thuộc ngành Tư pháp; ở Trung ương có Thanh tra Bộ Tư pháp; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Thanh tra Sở Tư pháp; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về tư pháp trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp theo quy định của pháp luật.
Đối tượng của Thanh tra Tư pháp: Cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về tư pháp; Cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong việc chấp hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ Tư pháp, chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra tư pháp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Tư pháp, chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở Tư pháp.
Thanh tra viên phải là cử nhân luật hoặc tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và có kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và đáp ứng tiêu chuẩn chung của Thanh tra viên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
 
Ngày 03/08/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2006/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của Thanh tra y tế.
Thanh tra Y tế là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, ở trung ương có Thanh tra Y tế thuộc bộ Y tế (Sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ), ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) có Thanh tra Y tế thuộc Sở Y tế (sau đây gọi tắt là Thanh tra Sở); thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về y tế theo quy định của pháp luật.
Ở Trung ương có Thanh tra Y tế thuộc Bộ Y tế; Ở cấp tỉnh có Thanh tra Y tế thuộc Sở Y tế; Các tổ chức thanh tra quy định này có con dấu riêng và tài khoản riêng.
Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ Y tế; có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiên chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Thanh tra Sở là cơ quan trực thuộc Sở, có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Y tế cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở Y tế.
Thanh tra viên Y tế (sau đây gọi tắt là Thanh tra viên) là công chức nhà nước thuộc Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp tỉnh được bổ nhiệm và cấp thẻ Thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại các tổ chức Thanh tra Y tế.
Cộng tác viên thanh tra là người không thuộc biên chế của Thanh tra Y tế, được Thanh tra Y tế hoặc cấp có thẩm quyền trưng tập, làm nhiệm vụ thanh tra. Cộng tác viên thanh tra chịu sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Trưởng đoàn Đoàn thanh tra.
Hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Việc thanh tra được thực hiện theo phương thức Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên độc lập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.Nghị định này thay thế Điều lệ Thanh tra nhà nước về y tế, ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24 tháng 01 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)./.
 
Ngày 07/08/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2006/NQ-CP Về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2006.
Trong hai ngày 31 tháng 7 và 01 tháng 8 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:
Về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết kỳ họp thứ IX Quốc hội khoá XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
Chính phủ thảo luận và thông qua dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình; dự án Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, do Bộ trưởng Bộ Y tế trình; dự án Luật Các vùng biển Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình; dự án Pháp lệnh Bảo vệ mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Công an trình.
Nhất trí bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước theo nội dung trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thông qua dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình với việc bỏ khoản 2 Điều 4 của dự thảo.
Thông qua nội dung Nghị quyết về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994.
Đối với dự thảo Nghị định về doanh nghiệp khoa học công nghệ: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị định và gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ nghe báo cáo về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình.
Chính phủ đã thảo luận Báo cáo kiểm điểm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Văn phòng Chính phủ trình.
Chính phủ đã xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo về kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2006, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo tình hình thương mại tháng 7 năm 2006, do Bộ Thương mại trình; Báo cáo về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo Quý II năm 2006, do Thanh tra Chính phủ trình./.
 
Ngày 08/02/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục về chương trình giáo dục, sách giáo khoa và giáo trình; thi kiểm tra và văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân; mạng lưới, tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường và cơ sở giáo dục khác; chính sách đối với nhà giáo; chính sách đối với người học; kiểm định chất lượng giáo dục; bảo đảm các điều kiện tài chính cho giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục ở các cấp học của giáo dục phổ thông; quy định cụ thể về chương trình giáo dục thường xuyên, chương trình giáo dục cho trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; ban hành chương trình khung các ngành đối với giáo dục đại học, cao đẳng; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ liên quan để ban hành chương trình khung các ngành đối với trung cấp chuyên nghiệp.
Việc đánh giá kết quả học tập, công nhận người học hoàn thành chương trình môn học, cấp học hoặc trình độ đào tạo bằng hình thức kiểm tra, thi kết thúc môn học, thi tốt nghiệp hoặc xét tốt nghiệp; kết quả kiểm tra, thi là một căn cứ chủ yếu giúp nhà trường và các cấp quản lý giáo dục đánh giá chất lượng giáo dục.
Việc công nhận tốt nghiệp một cấp học hoặc một trình độ đào tạo được thực hiện bằng: xét tốt nghiệp đối với trung học cơ sở; thi tốt nghiệp đối với trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng; thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khoá luận tốt nghiệp đối với trình độ đại học; bảo vệ luận văn đối với trình độ thạc sĩ; bảo vệ luận án đối với trình độ tiến sĩ.
Thẩm quyền cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau: Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở do Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp; Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp; Bằng tốt nghiệp trung cấp, Bằng tốt nghiệp cao đẳng, Bằng tốt nghiệp đại học do Hiệu trưởng nhà trường, nơi tổ chức đào tạo các trình độ tương ứng cấp; cơ sở giáo dục đại học có trường đại học thành viên thì Hiệu trưởng trường đại học thành viên cấp bằng tốt nghiệp; Bằng thạc sĩ do Hiệu trưởng trường đại học được phép đào tạo trình độ thạc sĩ cấp; trường hợp viện nghiên cứu khoa học được phép phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ thì Hiệu trưởng trường đại học cấp bằng thạc sĩ; Bằng tiến sĩ do Hiệu trưởng trường đại học hoặc Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ cấp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng, quản lý, tham gia vào quá trình điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập; quy định chế độ làm việc của nhà giáo ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Đối tượng được xét cấp học bổng khuyến khích học tập: Học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu; Người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ./.
 
Ngày 08/02/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2006/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp
Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, giám định tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính, hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi.
Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực tư pháp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hiệu nói trên mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không tiến hành xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi của người đó có dấu hiệu vi phạm hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; Phạt tiền.
Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn.
Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Người phải thi hành án có hành vi cố tình không nhận giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án, quyết định của Tòa án hoặc đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ 2 nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng…
Nếu người phải thi hành án có các hành vi như: sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên, phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng…
Đối với vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực: phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung của bản chính để làm thủ tục yêu cầu công chứng, chứng thực…
Nếu dùng giấy tờ giả hoặc dùng các thủ đoạn gian dối khác để làm thủ tục công chứng, chứng thực sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng…
Nghị định quy định rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật định, phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi gian dối khi đăng ký kết hôn…
Đối với vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư. Nghị định quy định rõ: Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc Giấy phép hành nghề tại Việt Nam để hành nghề luật sư…
Mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng được áp dụng đối với các vi phạm: cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào, thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá…
Đối với văn phòng con nuôi nước ngoài thực hiện các hoạt động khi giấy phép đã quá hạn hoặc chưa được cấp giấy phép đã hoạt động, thực hiện hoạt động về nuôi con nhằm mục đích vụ lợi sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
 
Ngày 09/08/2006 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 41/2006/QĐ-BTC Về giá định hướng bán xăng, dầu năm 2006.
Giá định hướng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) bán xăng, dầu của một số chủng loại chuẩn ở nhiệt độ thực tế được quy định thống nhất trong cả nước như sau:
Xăng không chì RON 92: 12.000 đồng/lít
Xăng không chì RON 90: 11.800 đồng/lít
Xăng không chì RON 83: 11.600 đồng/lít
Điêden 0,5%S: 8.600 đồng/lít
Nhiên liệu đốt lò (dầu ma dút) (FO N°2B): 6.000 đồng/ kilogam
Giá các loại xăng, dầu khác do các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu quy định căn cứ vào giá bán thực tế của các loại dầu chuẩn trên cùng thị trường và chênh lệch chất lượng so với các loại dầu nêu trên.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí xăng, dầu, hạ giá thành. Trước mắt duy trì giá bán điện, than hiện nay để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế năm 2006. Các đơn vị kinh doanh xăng, dầu phải tiếp tục giảm 5% chi phí quản lý doanh nghiệp so với năm 2005.
Bộ Thương mại chịu trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu kiểm kê hàng theo quy định hiện hành khi điều chỉnh giá; đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng, chống mọi hành vi găm hàng, đầu cơ.
Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm giá bán xăng, dầu của các đơn vị trực thuộc, đại lý bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình.
Trường hợp giá cả xăng, dầu trên thị trường thế giới có biến động lớn, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp khác được Nhà nước giao nhiệm vụ nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu có trách nhiệm điều hoà cung cầu và phải đáp ứng đủ nhu cầu xăng, dầu theo nhiệm vụ được giao.
Sở Tài chính các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Thương mại, Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra tình hình thực hiện giá bán xăng, dầu tại địa phương, kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình theo các quy định hiện hành hoặc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ 16 giờ 00 ngày 9 tháng 8 năm 2006 và thay thế Quyết định số 0747/2006/QĐ-BTM ngày 27/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại./.
 
Ngày 27/07/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
Nghị quyết này được áp dụng để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, bao gồm: Thuê nhà ở; Mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở; Mua bán nhà ở; Đổi nhà ở; Tặng cho nhà ở; Thừa kế nhà ở; Uỷ quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân.
Các loại nhà sau đây được coi là đối tượng của các giao dịch thuộc phạm vi áp dụng của Nghị quyết này: Nhà đang được sử dụng vào mục đích không phải để ở nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 là nhà ở;Nhà đang được sử dụng vào mục đích để ở nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 không phải là nhà ở;Nhà đang được sử dụng vào mục đích để ở nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 không xác định được mục đích sử dụng.
Các loại nhà sau đây được coi là đối tượng của các giao dịch thuộc phạm vi áp dụng của Nghị quyết này: Nhà đang được sử dụng vào mục đích không phải để ở nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 là nhà ở;Nhà đang được sử dụng vào mục đích để ở nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 không phải là nhà ở;Nhà đang được sử dụng vào mục đích để ở nhưng tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 không xác định được mục đích sử dụng.
Tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam đều được phép xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trước ngày 1/7/1991 (thời điểm trước khi có Pháp lệnh Nhà ở)…
Việt kiều có thể tiếp tục cho thuê cho mượn nhà tại Việt Nam, song phải có hợp đồng rõ ràng. Trường hợp muốn lấy lại nhà phải thông báo cho bên thuê, mượn trước 6-12 tháng. Cơ quan tổ chức phải trả lại nhà cho Việt kiều có thể thực hiện theo các phương thức: trả nhà ở đang quản lý sử dụng, trả bằng nhà ở khác, trả bằng tuền, nhà nước giao đất và họ không phải trả tiền sử dụng đất…
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xác lập quyền sở hữu nhà ở khi có các giấy tờ: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các hợp đồng cho thuê, mượn, giấy tờ thừa kế, sơ đồ nhà ở đất ở, hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc của nước ngoài Trường hợp sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký kinh doanh…
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/9/2006./.
 
Ngày 31/07/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2006/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.
Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về dạy nghề do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý nhưng không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề có liên quan đến tài chính, sở hữu trí tuệ, xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai, xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh thì thời hiệu là hai năm; nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 3 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
Trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực dạy nghề hoặc cố tình trốn tránh, trì hoãn việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu nêu trên mà thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; Phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất nếu là người nước ngoài.
Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra; Buộc đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động dạy nghề; Buộc huỷ bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi;…
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.Bãi bỏ Điều 9 Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động. Các quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề trái với Nghị định này đều bãi bỏ./.
 


--
If you do not want to receive any more newsletters, this link

To update your preferences and to unsubscribe visit this link

reply via email to

[Prev in Thread] Current Thread [Next in Thread]